Danh sách các công trình kiến trúc Việt Nam nổi tiếng mọi thời đại, được thế giới ca ngợi. Khám phá ngay để biết có gì nổi bật ở các công trình này!
Kiến trúc Việt Nam là sự giao hòa của các nền kiến trúc trong khu vực và trên thế giới. Nhắc đến kiến trúc Việt là nhắc đến các công trình đình, đền, miếu, mạo, chùa, chiền, nhà thờ, thành quách, cung điện và nhà ở. Tính đến nay, kiến trúc Việt đã trải qua 4 thời kỳ, gồm cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở mỗi thời kỳ, kiến trúc Việt lại có những đặc trưng khác nhau. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này!
Mục lục
Đặc điểm công trình kiến trúc ở Việt Nam
Kiến trúc Việt Nam được hình thành từ thời cổ đại, kể từ khi cha ông chúng ta biết tạo dựng chỗ ở để tránh mưa, tránh nắng và tránh thú dữ. Trải qua thời gian, kiến trúc đã có sự tiếp thu và đổi mới để phù hợp với thời đại và nhu cầu của con người. Tuy nhiên, kiến trúc Việt vẫn có những đặc trưng rất riêng, có thể nói đó là dấu hiệu để phân biệt với kiến trúc châu Âu, kiến trúc Pháp, kiến trúc Ấn Độ, kiến trúc Roman,…
Cụ thể, dưới đây là các đặc điểm của kiến trúc Việt Nam:
- Mang tính dân tộc và địa phương
- Phong cách nhẹ nhàng, giản dị, thiết kế khoáng đạt
- Gắn liền với cảnh quan
- Bố cục thống nhất, hài hòa và cân đối
- Trang trí đậm chất truyền thống với màu sắc, hoa văn đậm bản sắc dân tộc
- Sử dụng vật liệu địa phương để xây dựng (tre, đá, gạch, ngói,…)
- Có tiếp thu và ảnh hưởng bởi kiến trúc của các nước khác (thời cổ đại ảnh hưởng bởi kiến trúc Trung Hoa, thời phong kiến ảnh hưởng bởi kiến trúc Phật giáo, thời cận và hiện đại ảnh hưởng bởi kiến trúc phương Tây).
Những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam
Nói đến công trình kiến trúc, Việt Nam chúng ta có vô số các công trình không thể nào kể hết. Tuy nhiên, nằm trong top các công trình vang danh thế giới thì không thể không kể đến các công trình sau đây:
Công trình kiến trúc nổi tiếng ở miền Bắc
Chùa Một Cột
Vị trí: phía sau phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chùa Một Cột (hay còn gọi là Liên Hoa Đài) là một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất. Chùa được nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hữu. Chùa Một Cột được xây dựng vào năm 1049 và trải qua nhiều lần tu sửa khác nhau.
Hiện nay, chùa được chọn là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội và được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Năm 2012, chùa được Tổ chức Kỷ luật châu Á công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”.
Bảo tàng Hà Nội
Địa chỉ: xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Bảo tàng Hà Nội là nơi trưng bày, giới thiệu về thủ đô Hà Nội từ khi dựng nước cho đến nay, chứa đựng những tinh hoa và linh hồn của Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử. Bảo tàng được xây dựng năm 1982 trên diện tích đất gần 54.000 m2.
Kiến trúc của bảo tàng được thiết kế theo hình kim tự tháp ngược, giật cấp với 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. Năm 2010, bảo tàng Hà Nội được xếp hạng những công trình kiến trúc ấn tượng nhất, đồng thời cũng là bảo tầng đẹp nhất cả nước.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Vị trí: 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) – Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam), Khuê Văn Các, Đại Trung Môn, Đại Thành Môn, giếng Thiên Quang,…
Công trình được xây dựng từ năm 1070 trên khuôn viên rộng khoảng 54.331 m2 và trải qua nhiều lần tu sửa. Kiến trúc chủ yếu theo lối kiến trúc của nhà Nguyễn với sự cân xứng giữa từng khu, từng lớp.
Hồ Gươm
Vị trí: quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm) là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm Hà Nội, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần.
Sự độc đáo của kiến trúc Hồ Gươm nằm ở các nhân tố: Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút,…
Bamboo Dailai Complex
Vị trí: Nằm trong Flamingo Đại Lải, xã Ngọc Thanh, huyện Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2014, công trình Bamboo Dailai Complex được nhận giải “Công trình của năm” do Hội kiến trúc sư châu Á trao tặng. Công trình được xây dựng năm 2012, là nơi phục vụ du khách ăn uống, tổ chức sự kiện.
Kiến trúc của công trình độc đáo ở chỗ sử dụng tre và luồng với phương pháp lắp ráp khác biệt mang đến sự mới lạ cho không gian và những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Công trình khác
Công trình kiến trúc nổi tiếng ở miền Trung, Tây Nguyên
Cầu Rồng
Vị trí: đường Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Cầu Rồng dài 568m, rộng 37,5m, được xây dựng vào năm 2009 với kinh phí xây cầu gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Cầu được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers và Tập đoàn Louis Berger.
Điểm độc đáo của cầu Rồng ngoài thiết kế hình con rồng thì còn nằm ở khả năng phun lửa trong vòng 2 phút và phun nước trong vòng 3 phút. Thiết kế này được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ nhất.
Kinh thành Huế
Vị trí: tọa lạc tại 4 phường: Đông Ba, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc, Tp. Huế.
Kinh thành Huế là một tòa thành ở cố đô Huế, được xây dựng năm 1805 và hoàn thành vào năm 1832 trên tổng diện tích đất 520 ha. Bên trong Kinh thành có nhà dân, nhà quan lại và khu vực Hoàng Thành là nơi ở, làm việc của vua, hoàng gia.
Năm 1993, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Nhà thờ Con Gà Đà Lạt
Địa chỉ: số 13 đường Trần Phú, phường 3, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Nhà thờ Con Gà Đà Lạt có tên gọi chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari, là nhà thờ Công giáo ở Việt Nam. Đây là nhà thờ lớn nhất ở Đà Lạt tính đến thời điểm này, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất do người Pháp để lại tại “thành phố ngàn hoa”.
Nhà thờ Con Gà được thiết kế theo kiểu nhà thờ công giáo Roma ở châu Âu, là đại diện cho phong cách kiến trúc Roma. Mặt bằng nhà thờ được thiết kế hình chữ thập, trên thánh giá có hình con gà bằng hợp kim nhẹ rỗng.
Công trình khác
Công trình kiến trúc nổi tiếng ở miền Nam
Nhà thờ Đức Bà
Vị trí: số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Tp. HCM. Đây không chỉ là biểu tượng của Công giáo Việt Nam mà còn là công trình kiến trúc độc đáo của Tp. HCM, và là điểm đến du lịch đặc trưng tại Việt Nam.
Những nét đặc sắc của nhà thờ có thể kể đến là: Vật liệu xây dựng hoàn toàn được mang từ Pháp sang, thiết kế móng có thể chịu tải trọng gấp 10 lần; nội thất được thiết kế thành 1 lòng chính, 2 lòng phụ và 2 dãy nhà nguyên; tường được trang trí bằng 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sửa kiện, 31 bông hồn tròn và 25 cửa sổ mắt bò; tháp chuông cao 57m, gồm 6 quả chuông được thiết kế tinh xảo;…
Pullman Vũng Tàu
Vị trí: phường Thắng Tam, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khách sạn Pullman Vũng Tàu được xây dựng trên tổng diện tích 29.304,4 m2 với tổng mức đầu tư trên 1.800 tỷ đồng. Đây là khách sạn 5 sao đầu tiên của Tp. Vũng Tàu với 4 khối công trình chính gồm: Trung tâm Hội nghị triển lãm Quốc tế (Block A), Căn hộ cao cấp (Block B), Khách sạn 5 sao (Block C) và Dịch vụ – Thể thao (Block D).
Pullman được thiết kế theo phong cách Atrium, lấy cảm hứng từ nét độc đáo trong văn hóa địa phương và tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên để mang đến một không gian vừa hiện đại nhưng vẫn truyền thống.
Nhà 5 khối phủ cây xanh
Địa chỉ: quận Tân Bình, Tp. HCM.
Năm 2014, nhà 5 khối phủ cây xanh (House for Trees) của Công ty Võ Trọng Nghĩa được vinh danh hạng mục Nhà ở tại Festival Kiến trúc Thế giới – giải thưởng uy tín trong lĩnh vực kiến trúc.
Nhà được xây dựng trên diện tích đất 350m2 gồm có 5 khối tách biệt, được xây dựng dựa trên ý tưởng những chậu cây xanh, trên mái được trồng cây độc đáo. Khoảng trống giữa các khối nhà sẽ được thiết kế thành các khu vườn nhỏ. Giữa lòng thành phố chật chội và đông đúc, sự xuất hiện của nhà 5 khối phủ cây xanh giống như một “làn gió mới” độc đáo và đầy cuốn hút.
Tòa tháp Landmark 81
Vị trí: số 208 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. HCM.
Với 81 tầng và chiều cao 461,2m,đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam, cao thứ 15 thế giới và cao thứ 2 Đông Nam Á (năm 2021).
Tòa tháp được xây dựng trên tổng diện tích sàn 241.000 m2, cấu trúc là các khối chụm lại nhau, gồm 36 khối với chiều cao khác nhau được nhóm lại trong một ma trận 6*6. Kiến trúc Landmark 81 được lấy cảm hứng thì những bó tre truyền thống, đại diện cho sức mạnh và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Tòa tháp Sài Gòn Bitexco
Vị trí: số 19 – 25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
Tòa tháp Sài Gòn Bitexco được xây dựng trên diện tích 6.100 m2 với tổng vốn 220 triệu USD, có chiều cao 269m là công trình cao thứ 4 ở Việt Nam.
Với kiến trúc lấy cảm hứng từ búp sen, tòa tháp được xem là 1 biểu tượng của sự hiện đại, năng động và phát triển tại Tp. HCM.
Công trình khác
Kiến trúc sư Vassilis Sgoutas – chủ tịch Liên hiệp Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) đã từng nói rằng: “Để nêu cao sức mạnh bất diệt của linh hồn kiến trúc của một đất nước thì không có nơi nào tốt hơn Việt Nam”. Đó là lời động viên, khích lệ nhưng đồng thời cũng là sự ca ngợi về kiến trúc của Việt Nam. Và các công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam nói trên chính là minh chứng cho thấy nét đặc trưng và “sức mạnh” của kiến trúc Việt, không hề thua kém kiến trúc của quốc gia nào.
Xem thêm:
- Top 12 ngôi biệt thự đẹp nhất thế giới khiến bạn choáng ngợp
- Khám phá những ngôi biệt thự đẹp nhất Việt Nam (Mới nhất)
- Khám phá nhà Nhật: đặc trưng & các mẫu nhà hot nhất 2022